Ngày 15/05/2023, nhân dịp kỷ niệm ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam, khoa Cơ - Điện cùng các nhóm nghiên cứu: nhóm NCXS Công nghệ, Máy và Thiết bị; nhóm NCM Máy và Thiết bị nông nghiệp; nhóm NCM Công nghệ và Thiết bị tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đã tổ chức thành công Hội thảo khoa học “Cơ điện nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao” và Hội nghị tổng kết các nhóm nghiên cứu giai đoạn 2020 – 2022.

Tham dự hội thảo, về phía khách mời doanh nghiệp có PGS. TS. Nguyễn Tiến Đông – Giám đốc Công ty CP Công nghệ giáo dục & Đổi mới sáng tạo ETI, nguyên Giám đốc Trung tâm đào tạo Vinfast; về phía khoa Cơ - Điện có TS. Nguyễn Xuân Trường – Bí thư Chi bộ, Trưởng Khoa chủ trì Hội thảo. Ngoài ra, Hội thảo còn có sự góp mặt của đông đảo các cán bộ trong Khoa, thành viên của các nhóm nghiên cứu, các em sinh viên và nghiên cứu sinh trong Khoa quan tâm đến dự.

ht 01

TS. Nguyễn Xuân Trường phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Xuân Trường, Trưởng Khoa Cơ - Điện nhấn mạnh ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam là ngày hội để tôn vinh các nhà khoa học, đồng thời gửi lời chúc mừng các nhà khoa học, các thầy, cô giáo trong Khoa đã nỗ lực hết mình, đạt nhiều thành tích trong công tác nghiên cứu khoa học nhân ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5. Nhân dịp này, Khoa cũng giới thiệu đến các thầy cô và khách mời các thành tựu nổi bật từ kết quả nghiên cứu và chuyển giao công nghệ lĩnh vực cơ điện ứng dụng vào sản xuất thời gian qua.

Tiếp nối chương trình, TS. Nguyễn Thị Hiên – Phó Trưởng Khoa đã tổng kết các hoạt động NCKH của sinh viên và cán bộ trẻ trong Khoa giai đoạn 2021 - 2023; Tổng kết hoạt động các nhóm nghiên cứu trong Khoa giai đoạn 2020 - 2022 đồng thời triển khai phương hướng hoạt động NCKH giai đoạn 2024 – 2027. Theo báo cáo tổng kết của TS. Nguyễn Thị Hiên, hoạt động nghiên cứu khoa học của đội ngũ cán bộ, giảng viên trẻ của Khoa giai đoạn 2021 - 2023 đạt được nhiều kết quả, đã có những đóng góp đáng kể vào thành tích chung của khoa Cơ - Điện. Trong thời gian qua, cán bộ trẻ của Khoa đã chủ trì 01 đề tài cấp Học viện trọng điểm, 4 đề tài cấp Học viện và tham gia 02 đề tài cấp Quốc gia; có 02 bài báo quốc tế và 12 bài đăng trong kỷ yếu Hội thảo quốc tế và trong nước, 3 bài báo trong nước được đăng trên các tạp chí chuyên ngành; 01 Ý tưởng sáng tạo đạt giải Nhất cấp Học viện; tham gia viết và xuất bản giáo trình, sách tham khảo chuyên ngành... Giảng viên trẻ trong Khoa thường xuyên gửi đăng các bài tổng quan, thông tin kết quả nghiên cứu và các hoạt động NCKH trên các báo, website của Học viện…

ht 02

TS. Nguyễn Thị Hiên tổng kết các hoạt động khoa học công nghệ

hần kế tiếp, Hội thảo khoa học chuyển sang phần tham luận và các báo cáo kết quả nghiên cứu khoa học có giá trị. Mở đầu là tham luận “Chuyển đổi số & Công nghệ cơ điện ứng dụng trong nông nghiệp” đến từ PGS. TS. Nguyễn Tiến Đông. Từ việc nêu ra bối cảnh chung của nền kinh tế và chính sách, Phó giáo sư đã phân tích lịch sử phát triển và các công nghệ cơ điện ứng dụng trong nông nghiệp hiện tại đồng thời đưa ra gợi ý về định hướng nghiên cứu và phát triển, thương mại hóa các kết quả… Tham luận nhận được nhiều sự quan tâm chú ý và thảo luận sôi nổi từ các nhóm nghiên cứu, các nhà khoa học, các thầy, cô giáo trong Khoa.

ht 03

PGS. TS. Nguyễn Tiến Đông trình bày tham luận tại Hội thảo

Báo cáo kết quả của nhóm NCXS được ThS. Nguyễn Thị Hạnh Nguyên thay mặt nhóm trình bày. Trong giai đoạn 2020 – 2022, nhóm đã luôn chủ động, tích cực tìm hiểu các vấn đề thực tiễn để đưa ra các đề xuất, đề tài, dự án NCKH các cấp. Kết quả là nhóm đã đấu thầu thành công 2 đề tài cấp Nhà nước và một số đề tài cấp Học viện, công bố 8 bài báo quốc tế, 7 bài báo tiếng Anh trong nước, có 3 bằng độc quyền sáng chế được công nhận. Thành tựu này thể hiện sự nỗ lực, sáng tạo, miệt mài lao động của các thành viên trong nhóm.

Tiếp theo, kết quả nghiên cứu: “Nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nhận diện và phát hiện sự tăng thân nhiệt bất thường trên lợn nuôi” được TS. Nguyễn Thái Học – Trưởng nhóm NCM Công nghệ và Thiết bị tự động trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trình bày. Trong chăn nuôi lợn, sự tăng thân nhiệt bất thường là dấu hiệu vật nuôi đang có vấn đề nguy hại về sức khỏe (cảm sốt, mắc bệnh dịch tả…). Việc ứng dụng công nghệ xử lý ảnh thân nhiệt để phát triển hệ thống tự động đo và giám sát từ xa hiện tượng tăng thân nhiệt trên cơ thể lợn, từ đó có thể đưa ra cảnh báo sớm về tình trạng sức khỏe lợn nuôi có ý nghĩa thực tiễn cao. Nghiên cứu đã xây dựng thành công mô hình hệ thống tự động phát hiện từ xa hiện tượng tăng thân nhiệt ở lợn nuôi. Sai lệch về nhiệt độ đo được của mô hình với nhiệt độ thực tế của vật nuôi luôn nhỏ hơn 2oC.

ht 04

ThS. Nguyễn Thị Hạnh Nguyên báo cáo kết quả nhóm NCXS
 

ht 05

TS. Nguyễn Thái Học trình bày kết quả nghiên cứu

Phần trình bày của PGS. TS. Hoàng Đức Liên đưa ra kết quả tính toán thiết kế mô hình sản xuất muối bằng phương pháp kết tinh phân đoạn, nhằm đưa ra được nhiều các sản phẩm muối phù hợp với các đối tượng người tiêu dùng khác nhau như người già, trẻ con... nhằm nâng cao chất lượng muối trong đời sống sinh hoạt. Mô hình sản xuất muối công nghệ cao bằng phương pháp kết tinh phân đoạn cho ta thấy độ bốc hơi của nước biển nhanh hơn, sản lượng muối thu hoạch cao hơn các phương pháp truyền thống và cho ta nhiều phẩm cấp muối ứng với từng công đoạn kết tinh khác nhau.

ht 06

PGS. TS. Hoàng Đức Liên trình bày kết quả nghiên cứu

Hội thảo diễn ra sôi nổi, nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận được đưa ra nhằm làm rõ hơn các kết quả nghiên cứu, khơi gợi định hướng phát triển sản phẩm và các hướng nghiên cứu triển vọng tiếp theo.